Bộ sưu tập Noblot

1 / Tìm kiếm như thế nào ? (Comment chercher)

1-1 / Mục tìm kiếm (Menu Parcourir)

Các công cụ dùng để truy vấn kho dữ liệu đều nằm trong mục “Tìm kiếm” (Parcourir).

Trang chủ của mục Tìm kiếm cho phép truy cập vào tất cả các nội dung ("Contenus")của cơ sở dữ liệu (1397 phiếu dữ liệu) và sử dụng công cụ tìm kiếm ("Rechercher") toàn văn (kính lúp)

Mục Tìm kiếm cho phép truy cập các chế độ tìm kiếm khác nhau trong cơ sở dữ liệu:

1-2 / Tìm kiếm theo bộ sưu tập (Recherche par collection)

Cơ sở dữ liệu “Một mảnh đời ở Đông Dương: Delphine và Adrien Noblot (1904-1937)” được thiết kế và sắp xếp tương tự như cách phân loại của phông ảnh mà chúng tôi muốn miêu tả ở đây.

Mỗi “bộ” (volume) gồm các album, các hộp ảnh in trên tấm kính và các báo cáo của hiến binh thuộc địa tạo thành một điểm truy cập riêng biệt đã được xác định (xem Le Projet).

Đơn vị chính của OmekaS là một “nội dung” kết hợp với một hoặc nhiều hình ảnh (“phương tiện”) và liên kết với một “bộ sưu tập”.

“Nội dung” (contenu) là đơn vị chính trong cơ sở dữ liệu OmekaS. Mỗi nội dung có một hoặc nhiều hình ảnh (còn gọi là “media”) và thuộc về một bộ sưu tập riêng (collection). Vì vậy chúng ta có thể truy cập phông ảnh Noblot qua từng nội dung đã được xác định và miêu tả trong mỗi bộ sưu tập OmekaS bằng công cụ “Tìm kiếm theo bộ sưu tập” (Recherche par collection).

Đơn vị chính của cơ sở dữ liệu là ảnh và mỗi tấm ảnh thuộc về một tổng thể riêng biệt. Ví dụ như ảnh có thể được gắn liền với số trang trong một album hoặc trong báo cáo hiến binh. Các tấm hình in trên kính thì thuộc về hộp ảnh của chúng.

1-3 / Tìm kiếm nâng cao (Recherche avancée)

Mục tìm kiếm nâng cao có hai chức năng bao gồm tìm kiếm toàn văn (recherche en texte intégral) và tìm theo từ ngữ có trong một hoặc nhiều trường chuyên biệt (sử dụng “và”/”hoặc”). Vì thế cần hiểu rõ các đặc tính (propriétés ontologiques) dùng trong các mô hình miêu tả hình ảnh.

Việc xác định hình ảnh có mục đích cung cấp thông tin về:

  • Nơi chụp
  • Chủ đề khách quan của bức ảnh và thông tin đầy đủ hơn về bối cảnh mà bức ảnh được chụp (gia đình Noblot)
  • Thời gian chụp
  • Người chụp

Mục tiêu của các mô hình dữ liệu dùng cho các nhãn tài liệu (còn được gọi là “nội dung” trong OmekaS) là để đáp ứng cho các nhu cầu tìm kiếm toàn văn, tìm kiếm theo từng thể loại dữ liệu cụ thể - tức là dựa theo các trường dữ liệu, và cho ra một phiếu mô tả dữ liệu dễ tiếp cận đối với người sử dụng. Mô hình dữ liệu này cũng phải đáp ứng nhu cầu miêu tả dùng cho Báo cáo hiến binh thuộc địa (Rapport de gendarmerie), trong khi đây là một nguồn tài liệu mà phần nhiều là văn tự mô tả địa điểm. Các trường dữ liệu dùng để mô tả hình ảnh không sử dụng được trong trường hợp này.

Mô hình dữ liệu liên kết từng trường dữ liệu với một thuộc tính nằm trong sơ đồ dữ liệu của mạng ngữ nghĩa (Dublin Core, VRA3, v.v.).

1-4 / Các nơi chụp ("Lieu de prise de vue", "Pays de prise de vue")

Có thể tìm thấy thông tin về nơi chụp trong 3 trường dữ liệu:

  • Tên tài liệu (tên đặt sau khi tài liệu đã được xác định): thuộc tính VRA core 3 “vra:title”
  • Nơi chụp: thuộc tính VRA core 3 “vra:creation site”
  • Đất nước của nơi chụp: thuộc tính Dublin core “determs:spatial”

Trường dữ liệu Tên tài liệu có mô tả tổng quát về tấm hình, bao gồm một địa điểm và một đề tài (ví dụ: “Tân An: hiến binh thuộc địa và lực lượng bảo vệ dân sự duyệt binh ngày 14 tháng 7”).

Địa điểm trong các trường dữ liệu Nơi chụp và Đất nước của nơi chụp giữ nguyên tên gọi của thời thuộc địa. Nếu địa điểm đó ở Việt Nam thì sẽ bổ sung thêm tên địa danh ngày nay. Tất cả các địa điểm đều có thể tìm thấy trong bảng tra của Mục tìm kiếm. Nếu không rõ nơi chụp thì giá trị mặc định của các tấm hình chụp ở Đông Dương là “Đông Dương thuộc Pháp”.

1-5 / Đề tài trong ảnh (Sujet de la photo)

Việc mô tả ảnh sử dụng 3 trường dữ liệu sau:

  • Tên tài liệu (tên đặt sau khi tài liệu đã được xác định): thuộc tính VRA core 3 « title »
  • Các ghi chép về tài liệu: thuộc tính Dublin Core “dc:alternative title”, dùng để mô tả các ghi chép, chữ ký, ký hiệu và con dấu trên các ảnh đã được in
  • Thể loại ảnh: thuộc tính Duclin Core “dc:subject”, liên kết từng tấm ảnh với danh sách từ khoá và lập thành bảng tra chuyên đề
  • Mô tả: thuộc tính Dublin Core “dc:description” dùng để mô tả cụ thể nội dung ảnh

Giá trị mặc định của các trường dữ liệu không rõ hoặc không có thông tin là “Không xác định”.

1-6 / Thời gian chụp (Date de création)

Trường dữ liệu mang tên Thời gian chụp sử dụng thuộc tính Dublin Core “dcterms:created”.

1-7 / Nhiếp ảnh gia (Photographe)

Trường dữ liệu mang tên Nhiếp ảnh gia sử dụng thuộc tính Dublin Core “dc:creator”.

Giá trị mặc định của các trường dữ liệu không rõ hoặc không có thông tin là “Không xác định”.

1-8 / Các trường dữ liệu khác có thể truy vấn bằng công cụ tìm kiếm

Sau đây là các trường dữ liệu dùng để miêu tả các nội dung trong cơ sở dữ liệu và những thuộc tính được chọn:

Trường dữ liệu

Thuộc tính dữ liệu

Giá trị dữ liệu

Kỹ thuật nhiếp ảnh (Technique photographique)

Dublin core Type

Ảnh dương bản

 

Thể loại in (Type de tirage)

 

VRA core 3 Material

In trên giấy, in trên nitrocellulose, in trên kính, in bưu thiếp

Kỹ thuật chụp (Technique de prise de vue)

Chỉ có thông tin cho hình chụp trên kính.

 

VRA core 3 Technique

Ảnh lập thể

Người trong hình (Personnes représentées)

Friend of a friend Est le theme principal de

 

Nguồn ảnh và thư mục (Source iconographique et bibliographique)

Nguồn ảnh và thư mục cung cấp tài liệu dùng để miêu tả ảnh

 

 

Dublin Core Citation bibliographique

 

Được trích bởi (Est référencé par)

Đường link dẫn đến các nguồn trực tuyến cung cấp tài liệu dùng để miêu tả ảnh

 

Dublin Core Est référencé par

 

Hình có liên quan (Photo en relation)

Dùng cho các bộ rải rác trong các album hoặc đang phân loại lại

 

Dublin Core Relation

Đường link dẫn đến các nội dung có liên quan

Là một phiên bản của (Est une version de)

Dùng cho các bản in có nhiều copie

 

Dublin Core Est une version de

Đường link dẫn đến các nội dung có liên quan

2 / Giới thiệu về phông ảnh (Présentation du fonds)

Cơ sở dữ liệu “Một mảnh đời ở Đông Dương” trình bày bộ sưu tập ảnh của một cặp vợ chồng người Pháp, Adrien và Delphine Noblot. Bộ sưu tập này chụp ở Đông Dương vào những năm 1920-1930. Adrien Noblot là hiến binh thuộc địa.

Ông và vợ ông, bà Delphine (tên khai sinh là Dubois), đã sống phần lớn đời mình ở Đông Dương. Khi trở về Pháp, họ đem theo một bộ sưu tập gồm 1200 tấm ảnh kèm theo một bản báo cáo của chi đội hiến binh thuộc địa Nam Kỳ-Cao Miên.

Năm 2020, gia đình ông bà Adrien và Delphine Noblot đã gửi lại bộ sưu tập ảnh cho viện nghiên cứu InVisu UAR3103 CNRS/INHA, nhằm cung cấp tài liệu tham khảo dành cho nghiên cứu.

Boîte Ruines d'Angkor
Hình 3. Hộp tàn tích Angkor
Album 02 "Les plages"
Hình 4. Album à damier
Album 03 "brun"
Hình 5. Album brun

Phông ảnh bao gồm 3 album khoảng 1250 tấm hình, một bài báo cáo viết bằng máy đánh chữ có kèm hình chụp minh hoạ, các ảnh lập thể in trên kính. Phông này không có ảnh âm bản nào.

Tất cả các tấm ảnh đều được in bằng bạc bromua và gelatin. Các ảnh lập thể thì được in trên kính, trừ một tấm in trên nitrocellulose. Trong số những bản in trên giấy có 59 ảnh là bưu thiếp. Trên một số bản in trên giấy còn có chữ ký và dấu ấn của 29 nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp.

Khoảng 450 tấm ảnh (bản giấy và bản kính) trong album và trong bản báo cáo có chú thích đính kèm.

Phông ảnh không có tài liệu ghi chép nào nên câu chuyện về cuộc sống gia đình ông bà Noblot ở Đông Dương không nhuần nhuyễn mà rời rạc. Tất cả các nhân vật chính trong câu chuyện đều đã qua đời. Mọi thông tin đều do bà Claudette, con gái của ông Adrien và bà Delphine Noblot, kể lại cho con cháu trong gia đình nhưng nhiều chi tiết vẫn còn thiếu.

Phần lớn các bức ảnh còn lại đều không có chú thích, dấu hiệu hoặc ghi chú. Bộ sưu tập này cần thêm tài liệu và đa số thông tin bổ sung đều dựa vào các nguồn trực tuyến.

2-1 / Các album (Les albums)

Phông ảnh có tổng cộng là ba album. Chúng thuật lại một câu chuyện có đề tài và trình tự thời gian nhưng vẫn chưa hoàn toàn rành mạch. Ảnh trong hai album ca-rô (à damiers) đa số được chụp từ 1928 đến 1937.

Tôi đặt tên cho album đầu tiên là “Les plages” vì các hình đầu tiên trong album là hình chụp bãi biển. Mặc dù theo ước tính của riêng tôi thì có một tấm hình của Adrien chụp vào khoảng năm 1904, nhưng mốc thời gian chung của album này là 1928-1934. Phần lớn các tấm hình được chụp từ năm 1930 đến 1932. Các chủ đề chính trong ảnh là:

Album thứ hai tên là “Nam Vang” (Phnom Penh) vì các hình đầu tiên là hình bưu thiếp chụp tại Nam Vang vào khoảng năm 1928-1936. Ngoại trừ các tấm bưu thiếp của Studio Nadal không rõ thời điểm chụp, các mốc thời gian tìm thấy trong album kéo dài từ 1928-1936. Ta chỉ có thể đoán ảnh bưu thiếp này được mua vào khoảng thời gian đó. Chủ đề mang tính phóng sự trong album “Nam Vang” là:

Album thứ ba tên là “Brun” và bao trùm một khoảng thời gian kéo dài từ 1923-1937. Đa số các hình chụp từ 1932 đến 1937. Trong album còn một số trang để trống và một vài bức ảnh chưa được dán vào. Album Brun cho thấy:

Không có bộ ảnh mang tính phóng sự nào là hoàn chỉnh. Một số ảnh in trùng được dán vào hai album khác nhau. Có một tấm ảnh in trên kính sau được in lại trên giấy (có khả năng là ảnh sao chụp). Một số ảnh được tách khỏi bộ ảnh gốc để bổ sung vào những bộ khác.

2-2 / Bản báo cáo “Hiến binh thuộc địa – chi đội Nam kỳ-Cao Miên, chi đội Sài Gòn”

Hình 6 : Hiến binh thuộc địa – chi đội Nam kỳ-Cao Miên, chi đội Sài Gòn

Vào thời của Adrien Noblot, hiến binh thuộc địa ở Đông Dương được tổ chức theo hai sắc lệnh của năm 1911 (Tập san ghi chú luật pháp và sắc lệnh. 1911-1, tr. 532 và Công báo Cộng hoà Pháp 21 tháng 10 năm 1911).

Sắc lệnh ngày 20 tháng 10 năm 1911 tổ chức lực lượng hiến binh thuộc địa thành hai chi đội:

  • Chi đội Trung kỳ-Bắc kỳ đặt thủ phủ tại Hà Nội, gồm 140 lính dưới lệnh chỉ huy của một đại uý.
  • Chi đội Nam kỳ-Cao Miên đặt thủ phủ tại Sài Gòn, gồm 140 lính cũng nằm dưới lệnh chỉ huy của đại uý.

Adrien Noblot được thăng cấp thiếu úy chỉ huy phân đội vào năm 1929. Có lẽ nhân dịp tái tổ chức này, báo cáo được giao cho thiếu úy Noblot. Trên thực tế, nó được ghi ngày và ký vào ngày 1 tháng 10 năm 1929.

Bản báo cáo [hiến binh thuộc địa Nam kỳ-Cao Miên] là tài liệu có cấu trúc rành mạch nhất trong bộ sưu tập. Các bộ ảnh bên trong đều có ghi chú và bối cảnh chụp cụ thể. Bài viết trình bày kết quả của một cuộc thanh tra tại các trạm hiến binh thuộc địa vùng Nam kỳ-Cao Miên, khu vực kết nạp của Adrien Noblot. Tài liệu mô tả các phương tiện, nhiệm vụ và hoạt động của từng trạm hiến binh, kèm theo rất nhiều hình ảnh minh hoạ.

Tôi chọn thời điểm nộp báo cáo năm 1929 làm mốc thời gian chung cho bộ ảnh này, trừ phi ngày tháng được ghi rõ ràng trên ảnh. Báo cáo này có phải là bước đầu tiên trong việc sưu tập ảnh hoặc trong các hoạt động nhiếp ảnh của ông bà Noblot ? Vì thiếu tài liệu liên quan đến phông ảnh nên khó có thể khẳng định điều này. Ta chỉ biết rằng một số ảnh ban đầu nằm trong báo cáo được đem vào các album. Để biết điều này, ta có thể tra đường link “là một phần của” (est une partie de) hoặc “hình có liên quan” (photo en relation) trong cơ sở dữ liệu.

Hình 7. Bìa ngăn giữa các bộ hình mang tựa đề “Thời điểm đến của P. Doumer và Jean Laborde” (L’arrivée du P. Doumer et du Jean Laborde), “Cảnh Sài Gòn” (Vues de Saïgon) trong hộp ảnh tên Cảnh Nam kỳ (Vues de Cochinchine)

448 tấm ảnh lập thể in trên kính tạo thành một phông ảnh không đồng nhất, nhưng các đề tài ghi trên từng tấm kính lại thể hiện được tính đặc trưng của phông.
Một số nơi như đền Angkor và các địa điểm du lịch như Bokor (tỉnh Kampot, Cao Miên), Hà Tiên (Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, Việt Nam), Oudon (Cao Miên), tàn tích Khône (Lào) chỉ có trên tấm kính. Không một tấm bưu thiếp hay bức ảnh nào trong các album có ảnh chụp những nơi này. Các ảnh chụp trong nhà riêng ở Sài Gòn cũng chỉ có trên tấm kính.

Cách duy nhất để xác định đề tài của từng tấm kính là dựa vào các nhãn dán trên hộp ảnh và các bìa ngăn bằng cạc-tông. Trên 10 hộp thì hết 7 hộp là có nhãn dán nhưng các nhãn này cũng chỉ ghi lại tựa đề chung của hộp ảnh.

Cơ sở dữ liệu này được thiết kế nhằm giảm đi phần nào sự rời rạc của phông ảnh – nhất là khi phải xem riêng từng tấm ảnh lập thể, và thoát khỏi cách giàn xếp câu chuyện của người làm nên các album này.

2-4 / Dự án tài liệu (Le projet documentaire)

Toàn bộ phông ảnh và các thành phần đi kèm đều đã được số hoá. Mỗi khi có điều kiện, chúng tôi số hoá luôn cả mặt trái của các tấm ảnh. Tôi chọn cung cấp đầy đủ các vật phẩm thuộc bộ sưu tập và toàn bộ phông ảnh tùy vào thực trạng vật chất của chúng.

Cấu trúc của cơ sở dữ liệu tuân theo cách dàn xếp trong bộ sưu tập Noblot theo trình tự sau: các hộp kính, các album, các trang ảnh trong từng album và cuối cùng là ảnh.

Mô hình dữ liệu và lược đồ miêu tả hình ảnh kết hợp nhiều ontology của mạng ngữ ngôn: Dublin Core, VRA3, và FOAF. Lúc đầu thì tôi mô tả phông ảnh bằng Tropy, một phần mềm phù hợp với việc xử lý ảnh vừa miễn phí vừa có mã nguồn mở. Nhưng cuối cùng tôi chọn OmekaS vì Tropy không có chức năng biên tập và công bố dữ liệu trực tuyến.

2-4-1 / Cách đọc các phiếu dữ liệu dựa theo mô hình miêu tả dữ liệu

Các tấm ảnh được miêu tả một cách giản lược như sau:

  • Titre du document (attribué)/Tên tài liệu sau khi đã được xác định (vra:title): địa điểm và đề tài của tấm hình
  • Inscription/Ghi chép (dcterms:alternative): dùng cho các ghi chép
  • Nom du photographe/Tên của nhiếp ảnh gia (dcterms:creator)
  • Date de prise de vue/Ngày chụp (dcterms:created)
  • Lieu de prise de vue/Nơi chụp (vra:locationCreationSite) và nước chụp (dcterms:spatial): các địa danh tại Việt Nam có tên tiếng Pháp và tiếng Việt
  • Technique photographique/Kỹ thuật nhiếp ảnh (dcterms:type): dương bản
  • Type de tirage/Thể loại in (vra:material): in trên giấy, in trên nitrocellulose, in trên kính, in bưu thiếp
  • Technique de prise de vue/Kỹ thuật chụp (vra:technique): dùng cho loại ảnh lập thể
  • Dimensions/Kích thước (vra:measurementsDimension): dùng cho trang ảnh và tấm kính
  • Genre iconographique/Thể loại ảnh (dcterms:subject): dựa theo bảng tra chuyên đề thể loại ảnh (xem các bảng tra)
  • Description/Miêu tả (dcterms:description)
  • Personnes représentées/Người trong hình (foaf:isPrimaryTopicof)
  • Source iconographique et bibliographique/Nguồn gốc ảnh và thư mục (dcterms:bibliographicCitation): thư mục tham khảo dùng để cung cấp tài liệu cho bức ảnh
  • Est référencée par/Được chú dẫn theo (dcterms:isReferenceBy): đường link dẫn đến các nguồn trực tuyến dùng để cung cấp tài liệu cho bức ảnh
  • Photo en relation/Hình có liên quan (dcterms:relation): dùng cho các tấm hình đơn lẻ hoặc đang chờ phân loại
  • Est une version de/Là một phiên bản của (dcterms:isVersionOf): dùng cho các tấm ảnh có nhiều phiên bản
  • Est une partie de/Là một phần của (dcterms:is part of): liên kết ảnh với trang chủ của bộ ảnh (album hoặc báo cáo hiến binh thuộc địa)

Nhiều câu hỏi được đặt ra trong quá trình miêu tả và xác định quan điểm của cơ sở dữ liệu.

Địa điểm chụp ảnh là dữ liệu được mô tả chính xác nhất vì bao gồm thành phố của nơi chụp kèm theo địa danh tiếng Pháp (đôi khi là tên thời thuộc địa) và địa danh tiếng Việt bây giờ.

Việc mô tả người gặp nhiều khó khăn hơn vì quốc tịch của các nhân vật trong hình khó đoán và nhất là trong trường hợp các tộc người gọi là “Mọi”. Từ “Mọi” mang nặng hàm ý nhưng lại gắn liền với một thể loại nhiếp ảnh đặc biệt, không chỉ đơn giản là chụp các bộ tộc mang tính chất độc lạ. Vì những lý do này nên các từ như “người Đông Dương nguyên thủy”,  “người miền núi” (không phải ai cũng sống trên núi), hoặc từ “pemsien” xuất hiện sau thời kỳ thuộc địa đều bị loại bỏ khỏi bộ sưu tập này. Các từ này tuy đem lại sự tôn trọng dành cho người dân trong hình nhiều hơn nhưng lại không bày tỏ được ý nghĩa của tấm ảnh và cũng không thể hiện hết thể loại đặc biệt của bộ ảnh này.

Khi không thể xác định hoặc diễn giải các nhân vật và đề tài trong ảnh thì các trường dữ liệu sẽ đề là “không rõ”. Trong trường hợp thông tin là địa điểm thì sẽ mặc định là “Đông Dương thuộc Pháp”.

Adrien Noblot là nhân vật chính trong rất nhiều bức ảnh nhưng không bao giờ thấy ông cầm máy chụp trên tay. Trong bộ sưu tập này cũng không có bản âm (négatif) nào. Khả năng chụp ảnh của ông là do cô con gái Claudette kể lại nhưng không ai biết tại sao ông lại thích nhiếp ảnh. Dụng cụ nhiếp ảnh duy nhất còn giữ lại trong gia đình là bộ kính lập thể bằng gỗ dùng để xem hình in trên kính. Không thể khẳng định một cách chắc chắn rằng tất cả các tấm ảnh không để tên đều do Adrien Noblot chụp.

Các tấm ảnh trong bộ sưu tập thuật lại một cách lưu loát đời sống của một cặp người Pháp ở Đông Dương. Chúng kể về cuộc sống gia đình Noblot, các mối quan hệ xã giao, giải trí và các hoạt động nghề nghiệp của Adrien Noblot bao gồm đội hiến binh thuộc địa.

Kết luận và đánh giá chung của bộ sưu tập này còn dựa theo các tài liệu được trao lại cho chúng tôi, và chỉ thực sự xuất hiện một khi từng tấm ảnh đã được xác định.

3 / Quá trình xác định ảnh

Việc xác định các tẩm ảnh trong bộ sưu tập Noblot phần lớn dựa vào các nguồn tài liệu trực tuyến – cũng là hình ảnh hoặc các bài viết thuộc phạm vi công cộng và tư nhân.

3-1 / Các nguồn tài liệu

Tra cứu các nguồn tài liệu trược tuyến của các bộ sưu tập:

Ban đầu tôi ngạc nhiên khi thấy hình của bộ sưu tập Noblot trên các trang web tư nhân như các trang thương mại Delcampe, Ebay và nhất là trang Manhhai. Manhhai là một nhà sưu tầm vô danh. Ông không chỉ sưu tầm hàng ngàn tấm ảnh về Việt Nam và đăng lên trang Flickr, mà còn cẩn thận dẫn nguồn cho từng ảnh. Nhờ chức năng dịch thuật của Google, tôi đọc được các lời bình luận giúp tôi xác định địa điểm và đề tài của các tấm ảnh.

Sự xuất hiện thường xuyên của các tấm ảnh này trên các trang thương mại cho thấy tính chất tài liệu trong bộ sưu tập Noblot là khá quan trọng. Tầm quan trọng này vượt trên cả những gì mà 59 tấm bưu thiếp có thể gợi cho ta biết.

Chúng tôi tìm thấy chữ ký hoặc con dấu của 36 nhiếp ảnh gia hoặc studio trên các tấm ảnh. Vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên nếu có rất nhiều hình của bộ sưu tập Noblot trên các trang bán bưu thiếp.

Theo nhãn chỉ dẫn của các hộp kính, Đông Dương trong mắt gia đình Noblot nằm ở quanh vùng Nam kỳ và phía nam Trung kỳ, tức một nửa nước Việt Nam ngày nay và nước Cao Miên.

Hình 8. Bản đồ Đông Dương thuộc Pháp (trích dẫn). Sài Gòn: Nguyễn Văn Chúc và Cisvaldina, 1933. https://gallica.bnf.fr/ark:/12148btv1b53066723z

Ranh giới thu hẹp này chắc hẳn có lý do. Trong album không có hình hay bưu thiếp nào chụp ở Bắc kỳ, trừ một tấm chân dung do studio chụp và hình chụp ở đô thành Huế. Một số đề tài mang đậm đặc tính của Nam kỳ cũng bị thiếu như là Chợ Lớn, khu công nghiệp của Sài Gòn và cũng là nơi cư trú của cộng đồng người Hoa.

Ranh giới thu hẹp về một nửa lãnh thổ Đông Dương trùng với con đường sự nghiệp của Adrien Noblot và cho thấy gu và sở thích riêng của gia đình.

3-2 / Các chủ đề chính trong bộ sưu tập Noblot (Les thèmes de la collection Noblot)

Các chủ đề chính chiếm khoảng 1/3 bộ sưu tập: đời tư (gia đình và bạn bè) rồi tới công việc bao gồm hiến binh thuộc địa và tài liệu gom nhặt về Đông Dương.

Chủ đề thứ ba là thắng cảnh và du lịch ở Đông Dương. Ví dụ như kiến trúc thuộc địa và địa phương, các “thể loại tộc người và xã hội”, cuộc sống thuộc địa (nghi lễ chính thứcnghi lễ riêng). Một số đề tài tưởng chừng như sẽ có mặt trong bộ sưu tập thì lại không có.

3-2-1 / Thắng cảnh Đông Dương (L’Indochine pittoresque)

Ảnh chụp cảnh quang ở Đông Dương trong bộ sưu tập cũng giống như các ảnh thường gặp của người Tây phương chụp Đông Dương. Đó là ảnh chụp di tích, đền chùa, các lễ hội địa phương và cảnh phố phường hoặc nông thôn (cảnh làm nông), các nghi lễ quân đội hoặc nghi lễ mang tính tôn giáo (đại hội thánh thể, đám tang), v.v.

Các sự kiện lớn đánh dấu cuộc sống nơi thuộc địa cũng có mặt trong bộ sưu tập như tang lễ của vua Sisowathlễ đăng quang của vua Monivong ở Nam Vang năm 1928. Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) và Bảo tàng Quai Branly có tài liệu về những sự kiện này.

Một số sự kiện được đưa tin nhiều và có nhiều ảnh chụp lại không tìm thấy trong phông Noblot. Ví dụ như chuyến đi thăm Đông Dương của Paul Reynaud năm 1931, các đợt thi kỷ lục tốc độ bay giữa Paris và Sài Gòn (ngày 9 tháng 11 năm 1931), kỳ thi kỷ lục bay đường dài giữa Paris-Sài Gòn-Paris của Maryse Hilsz vào ngày 16 tháng 12 năm 1935, lúc André Japy đáp tại Sài Gòn và lập kỷ lục đường dài mới, chuyến viếng thăm của Astrid và Beaudoin của nước  Bỉ năm 1932.

Vậy mà trang 29 của album 1 « Les Plages », giữa bộ ảnh chụp các lễ hội tổ chức nhân dịp vua chúa nước Xiêm La viếng thăm Sài Gòn (14-16 tháng 4 năm 1930) lại có một con tem Bỉ mang hình hoàng hậu Astrid của Bỉ. Phải chăng đây là dấu hiệu của một nỗi ăn năn vì đã không có tấm ảnh nào về chuyến thăm Đông Dương thuộc Pháp của Astrid và Léopold của Bỉ vào tháng 3 năm 1932 ?

Có rất nhiều hình do các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp chụp và đáng nói nhất là ông Fernand Nadal, người có số lượng hình chụp khổng lồ về Đông Dương của những năm 1920-1930 mà ta không thể không nhắc đến. Có một sự trùng lập giữa các bộ sưu tập đã được công bố, bộ sưu tập Noblot này và các tấm ảnh do chính quyền thuộc địa đặt mua nơi các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp đương hoạt động ở Đông Dương. Hình chụp các nhân vật thuộc bộ máy chính quyền thuộc địa (thống sứ, thống đốc) và các vị vua Cao Miên là do các studio chuyên nghiệp chụp. Họ thường để lại con dấu như Photo Nadal Saigon, Royal Photo Phnom Penh, Catinat Photo, Khánh Ký, v.v. Các studio này có thể nhận chụp lúc cần bổ sung thêm cho bộ ảnh và sưu tập Noblot. Kể cả khi cần chụp ảnh chân dung và hình của người trong gia đình.

3-2-2 / Cuộc sống gia đình

Cuộc sống gia đình và các mối quan hệ xã giao của cặp vợ chồng Noblot là đề tài chính của bộ sưu tập. Có rất nhiều hình chụp cảnh biển, nhất là ở Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Việt Nam), các kỳ nghỉ ở Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng, Việt Nam), Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương, Việt Nam), và các chuyến đi dạo ở Thảo cầm viên Sài Gòn.

Có một điều đáng ngạc nhiên là trong bộ sưu tập không có ảnh nào chụp những sự kiện lớn trong gia đình như là lễ cưới của Adrien và Delphine. Có thể hình đã để lại Pháp vì họ làm lễ kết hôn ở đây. Nhưng lễ ban thánh thể của cô con gái Claudette lại làm ở Sài Gòn mà vẫn không có tấm hình nào chụp nghi lễ trong các bộ album, cũng không có hình nào của cô trước khi cô 9 tuổi  (Hình “Cảnh nhà hát: đoàn hát trong trang phục”, album_Noblot_vol-1_26-02album_Noblot_vol-1_26-04).

Có một serie ảnh không rõ mốc thời gian chụp là khi nào, nhưng có khả năng là chụp trước khi họ rời khỏi Đông Dương năm 1937. Serie này có hình của Delphine và Adrien ở Nam Vang và ở Sài Gòn, nhất là ảnh chụp nơi họ ở bên trong doanh trại sĩ quan và các tấm chân dung của họ chụp trong xe ôtô. Có một bộ ảnh khác cho thấy địa vị xã hội của gia đình Noblot. Đó là ảnh chụp một hoặc nhiều buổi săn bắn thú lớn cùng với gia đình Blachère – vừa là bạn bè thân mật, đồng nghiệp và hàng xóm của nhà Noblot.

3-2-3 / Du lịch ở Đông Dương (Tourisme en Indochine)

Việc xác định vị trí của các buổi săn bắn trong bộ sưu tập là rất khó khăn. Phần miền nam của Đông Dương và nhất là Đà Lạt có lẽ là nơi tập trung các hoạt động săn bắn được văn học du lịch thúc đẩy mạnh nhất: Các cuộc săn bắn lớn ở Đông Dương (Les grandes chasses en Indochine), do Cục du lịch Đông Dương xuất bản ở Sài Gòn nhân dịp triển lãm quốc tế ở Paris năm 1937; Đà Lạt, khu nghỉ dưỡng của Đông Dương thuộc Pháp; cuộc săn bắn ở Lang-Biang (La chasse au Lang-Biang); Hướng dẫn mới kèm minh hoạ, Cẩm nang nhỏ về Đà Lạt (Petit guide illustré de Dalat), Đông Dương thuộc Pháp, Hà Nội, Nhà in Viễn Đông, 1930. Các tấm ảnh của bộ sưu tập Noblot giống với thể loại hình săn bắn: có hình chụp trang phục, hình khoe chiến lợi phẩm và vũ khí.

Có nhiều ảnh chụp đền Angkor là ảnh in trên kính và có hẳn một hộp ảnh chỉ dành cho loại hình này. Các ngôi đền Angkor đã nổi tiếng vào thời đó và là cảnh dùng để dàn dựng cho du lịch ngoạn mục (Bontoux, Henry ; Hãng bay Pháp. Lễ khánh thành du lịch trên không ở Đông Dương: từ sông Sài Gòn đến rạch Angkor-Vat (L’inauguration du tourisme aérien en Indochine: de la rivière de Saïgon aux douves d’Angkor-Vat. Revue indochinoise illustrée, số 35, tháng 5 năm 1929). Sài Gòn: Cục du lịch Đông Dương, 1929.

Điều đáng chú ý là các ngôi đền được đánh giá là tuyệt vời nhất cuối thập niên 1920 vẫn còn nổi tiếng cho đến bây giờ. Trong số 50 tấm ảnh chụp đền Angkor, có ba tấm chụp trán tường và một tấm chụp trán tường nổi tiếng Banteay Srei đang được trưng bày ở bảo tàng Guimet. Tuy nhiên, chỉ có hai tấm hình chụp Ta Prohm. Ngôi đền gây ấn tượng nhất hôm nay có lẽ không nổi tiếng lắm vào thời đó vì các đền vẫn còn chưa được trùng tu hoàn toàn và vẫn còn nằm lấp trong lớp thực vật, điều mà khiến cho Ta Prohm rất ăn ảnh.

Không chỉ có di tích lịch sử thu hút khách du lịch ở Cao Miên. Kep-sur-Mer (tỉnh Kep, Cao Miên) từng là một bãi tắm nổi tiếng ngang tầm với nhà nghỉ trên đồi Bokor (Bokor, Sthany Phnom Bokor, tỉnh Kampot, Cao Miên) và Adrien Noblot có đem về một số tấm ảnh. Gần biên giới Cao Miên còn có bãi biển Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang, Việt Nam). Hai chóp nổi lên trên bờ biển bởi sự xói mòn của đá tại nơi đó cũng từng là một bãi tắm thời thượng.

Bộ sưu tập còn có nhiều tài liệu quan trọng và đặc biệt liên quan đến công việc của Adrien Noblot, là hiến binh thuộc địa đóng ở Đông Dương trong suốt sự nghiệp của ông.

3-2-4 / Hiến binh thuộc địa Đông Dương (Gendarmerie coloniale en Indochine)

Tài liệu về chi đoàn hiến binh thuộc địa Nam kỳ-Cao Miên chiếm một phần lớn trong bộ sưu tập.

Báo cáo hiến binh thuộc địa là một nguồn tư liệu quan trọng về tổ chức chi đoàn, bao gồm các hoạt động, các phương tiện và nhà ở trong các trại hiến binh thuộc địa tại khu vực Nam kỳ-Cao Miên. Album còn một số ảnh tư liệu khác gồm lễ trao huân chương của Adrien Noblot và các nghi lễ khác trong quân đội.

Lối viết báo cáo rõ ràng và mạch lạc của Adrien Noblot, trình bày và ký tên ngày 01 tháng 10 năm 1929, đã giúp tôi xác định thêm một số tấm hình trong các album. Có riêng một album có nhiều hình chụp về trại hiến binh thuộc địa, các chuyến đi tuần và hình chân dung nhưng ghi chú thì lại khá rời rạc. Báo cáo trình bày từng đoạn văn và hình ảnh liên quan đến đoạn văn ấy. Mỗi tấm hình được đính vào một khung hình khắc đúng theo kính cỡ của nó. Tuy vậy một số chỗ trong album vẫn chỉ có ghi chú mà không có hình đính kèm.

Hình 9. Rapport_gendarmerie_52 và album_Noblot_vol-2_32-02 : Việc làm đầu tiên của tôi là tìm hiểu và liên kết các tấm hình của bộ sưu tập Noblot lại với nhau rồi đem ra đối chiếu với các tấm hình sưu tập đăng trên mạng.

Nếu tra trong cơ sở dữ liệu, ta có thể so sánh các tấm ảnh đã qua phân loại [trong cơ sở dữ liệu] với các tấm hình còn nằm rải rác trong các album.

3-3 / Tra cứu theo hình ảnh

Rất nhiều tấm hình trong bộ sưu tập dễ nhận ra vì là hình chụp cảnh đẹp Đông Dương: các di tích lịch sử, các công trình công cộng mà đa số vẫn còn tồn tại hoặc được lưu truyền cho đến ngày hôm nay nhờ các bưu thiếp và ảnh chụp chuyên nghiệp.

Nhưng nhờ vào sự liên kết rạch ròi giữa địa điểm, thời gian và sở thích của gia đình Noblot, ta có thêm nhiều manh mối vững chắc để xác định [đề tài trong hình] mà không phải chỉ dựa vào các ảnh bưu thiếp về Đông Dương. Các tấm hình riêng lẻ trong album cũng nhờ vào cách dàn xếp câu chuyện trong bộ sưu tập, các album và bản báo cáo hiến binh thuộc địa mà không còn đơn chiếc nữa.

3-3-1 / Các tấm hình không ngờ lại biết : Cái Răng và Nha Trang

Trong tấm hình thiếu ghi chú này ta nhận ra một phần kiến trúc thuộc địa như các ngôi chợ xây bằng thép mà ta thường gặp ở Nam kỳ. Thế nhưng không phải ngôi chợ nào cũng nằm gần một con rạch có chiếc cầu thép bắt ngang. Trong lúc tìm hiểu thêm về các ngôi chợ ở Nam kỳ thì tôi vô tình vào trang cá nhân của Manhhai và bắt gặp một tấm hình thuộc phông Toàn quyền Đông Dương, mang mã số “A-1304 GG”.

Hình 10. Ảnh chụp một khu chợ gần một con rạch (album_Noblot_vol-2_38-01)

Tôi đem so sánh hình chợ Cái Răng (Cần Thơ, tỉnh Phong Đình, Việt Nam) với một tấm hình trong album 2 “Nam Vang” (“Phnom-Penh”), cũng chụp gần một con rạch nhưng lại không có ghi chú nào.

Hình 11. Một tấm hình khác chụp khu chợ gần con rạch (album_Noblot_vol-2_32-01)

Khi xếp chồng hai tấm hình lại với nhau thì ta có được tấm ảnh sau:

Hình 12. Hai tấm hình xếp chồng lên nhau

Hai tấm hình này cho thấy con rạch chạy quanh khu chợ Cái Răng. Tuy không thấy trại hiến binh thuộc địa trên hình, nhưng qua tấm chụp một người lính vô danh thuộc đồn Cái Răng, ta có thể hiểu thêm về các mối quan hệ xã giao trong công việc của Adrien Noblot. Hình bên trái lấy đứa bé làm trọng tâm và hình bên phải chụp gia đình của một người lính đứng trên ghe.

Dù là ảnh do chính phủ đặt mua hay là của các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, hình Đông Dương rất hay chụp cảnh quang đô thị và kiến trúc. Kiến trúc thuộc địa là một manh mối quan trọng để xác định địa điểm và nơi chụp.

Ví dụ như cảnh vịnh trong tấm hình lập thể này boite_mont_plage_10:

Hình 13. Boite_Mont_plage_10: Một vịnh không rõ địa điểm

Hình này nằm trong một hộp ảnh lập thể không mang nhãn hiệu hoặc bìa chỉ dẫn. Tôi đặt tên cho hộp ảnh này là “Boîte Mont plage” (“Hộp núi biển”) vì có hình chụp bãi biển và dãy núi ở Vũng Tàu.

Tấm hình đơn lẻ này cho thấy một con tàu trong vịnh. Cảnh chụp từ một sân thượng có lan can. Lan can là một dạng kiến trúc thường gặp trong những công trình thuộc địa nổi tiếng như khách sạn lớn và các khu giải trí (Câu lạc bộ thể thao Nam Vang).

Do không có nhiều hình chụp bãi tắm trong bộ sưu tập và cảnh núi đồi, việc định vị cảnh quang chụp trong hình bị hạn chế.

Adrien Noblot từng đi Trung kỳ với gia đình. Trong bộ album có một hộp gồm hình in trên kính và in trên giấy lưu lại kỷ niệm của chuyến đi này (di tích Chăm). Ở Nha Trang (tỉnh Khánh Hoà, Việt Nam) cũng có nhiều dạng kiến trúc có lan can như trong hình trên. Ví dụ như Viện Hải dương học, khách sạn Beaurivage, khách sạn Grand Hôtel, nhà của gia đình Yersin và một khu villa xây vào đầu thập niên 1920.

Trong số những tấm hình tìm thấy trên các trang cá nhân và blog du lịch trên mạng, có một tấm chụp ống thông gió như ta thấy trong hình:

Hình 14. Nha Trang, kiến trúc thuộc địa: ảnh ghép

Kết luận là tấm hình trong bộ sưu tập Noblot được chụp trên nóc nhà của một toà villa thuộc địa nằm trên vịnh Cầu Đá. Có tổng cộng là năm toà villa thuộc địa ở nơi đây. Nhờ vào một tấm hình do một người yêu thích các công trình công cộng chụp và đăng lên Google Street View, tôi có thể khẳng định giả thuyết rằng đây là căng villa Xương Rồng (Agaves) (trang web được cập nhật ngày 5 tháng 12 năm 2022).

Hình 15. Vịnh Cầu Đá trên Google Street View: ảnh ghép

3-4 / Tra cứu theo họ và tên

Như trường hợp các nhà ngoại giao và quản trị viên thuộc địa, tài liệu trực tuyến về quân đội rất đầy đủ. Khi không có thông tin về đồng nghiệp của đôi vợ chồng Noblot trong các nguồn tư liệu chính thức, tôi bổ sung thêm nhờ vào gia phả.

3-4-1 / Trường hợp của công dân thường

Có khoảng mười hai danh tính và chức tức được ghi lại phía sau các tấm ảnh trong bộ sưu tập Noblot. Thường khi tìm thấy các tên họ này trên các trang web chuyên về gia phả (cần đăng ký thuê bao để cập nhật nguồn này), ta sẽ truy được thêm tên của các bà vợ và các con. Việc này giúp ta loại bỏ các trường hợp trùng tên trên trang Gallica và sưu tập thêm thông tin về hoạt động và bạn bè của gia đình Noblot. Mọi thông tin này đều hữu ích để xác định mốc thời gian của một số tấm hình và thiết lập các mối quan hệ xã giao.
Họ tên Ogoyard được ghi trên mặt trái của ba tấm hình. Theo tôi thì có khoảng một chục tấm ảnh của gia đình này trên các hình chụp ở biển Hà Tiên. Một cô gái trẻ đi cùng một thằng bé và một người đàn ông có lẽ là Pierre Ogoyard. Hình đăng trên Généanet (Généanet à một trang web chuyên về lịch sử gia phả) đã giúp xác địch giả thuyết này (cần đăng ký thuê bao để cập nhật nguồn này). Sau cuộc điều tra nhỏ này, tôi nhận diện gia đình Ogoyard hết 13 lần, trong đó có một serie ảnh chụp ở Vat Nokor và ở Ta Prohm ở Bati.
Pierre Ogoyard từng là hạ sĩ quan của một trung đoàn bộ binh Bắc kỳ trước khi ông về quản lý trại giam thuộc địa ở Cao Miên năm 1926. Sau đó thì ông được bổ nhiệm đi Nam kỳ (Côn Đảo, ở tù lao ngoài khơi Nam kỳ và Khám lớn ở Sài Gòn). Có một chương trong báo cáo năm 1929 viết về bộ máy quản lý tù Côn Đảo. Có thể Adrien Noblot và Pierre Ogoyard đã gặp nhau ở Nam Vang hoặc ở Côn Đảo.

3-4-2 / Trường hợp của sĩ quan

Khôi phục lại câu chuyện của các nhân vật công chúng là việc khá dễ dàng nhờ vào các nguồn tài liệu văn bản và hình ảnh, nhất là các danh bạ hành chánh. Thế nhưng không phải ai cũng có họ và tên. Tấm hình của studio Royale Phnom Penh này cho thấy các sĩ quan Pháp đứng trên bậc thềm của một toà nhà, có lẽ là Cung điện Hoàng gia ở Nam Vang.

Hình 16. Cung điện Hoàng gia ở Nam Vang, chuyến đi thăm của các quản trị viên thuộc địa, khoảng vào năm 1928 (hình album_Noblot_vol-2_04-08)

Người đàn ông đứng bên trái khá là nổi tiếng. Ông là Aristide Le Fol, một vị quan chức thuộc địa cấp cao được bổ nhiệm trên toàn Đông Dương đến năm 1931. Ông là cư dân người Pháp sống ở Cao Miên từ năm 1927 đến 1928. Người đứng bên phải ông Aristide Le Fol không có họ tên nhưng lại có mặt trong nhiều tấm hình. Ông ta hay bị nhầm lẫn với Pierre Pasquier. Trên các hình do Quỹ Varenne đăng lên mạng, ta thường thấy ông đi cùng với toàn quyền Alexandre Varenne.

Các danh bạ hành chánh có danh sách tên, cấp bậc và chức vụ của quan chức thuộc địa Đông Dương thuộc Pháp.

Alexandre Varenne được bổ nhiệm chức toàn quyền Đông Dương vào tháng bảy năm 1925. Ông giữ chức từ tháng mười một năm 1925 đến tháng mười năm 1926, rồi từ tháng năm đến tháng mười một năm 1927. Hình đăng trên Quỹ Varenne có thể là chụp năm 1927, khi Blanchard de la Brosse là thống đốc Nam kỳ và Le Fol là thống sứ Cao Miên. Trong lúc Varenne là toàn quyền, ông tổng thư ký của toàn quyền Đông Dương năm 1927 là ông Maurice Monguillot.

Maurice Monguillot tạm giữ chức toàn quyền trong khoảng thời gian Alexandre Varenne rời chức và trước khi René Robin nhậm chức vào ngày 7 tháng 8 năm 1928. Vậy nên ông ta là toàn quyền Đông Dương lâm thời trong lúc ông đi Nam Vang dự lễ đăng quan của vua Monivong.

3-5 / Tra cứu theo nguồn văn bản

Các danh bạ hành chánh không miêu tả mọi sự kiện diễn ra ở Đông Dương nhưng báo chí địa phương thì thuật lại rất nhiều chi tiết. Nhiều tiêu đề đã được đăng trên Gallica hoặc Retronews, trang web dành cho báo chí [đã số hoá] của Thư viện quốc gia Pháp.

Hình album_Noblot_vol-2_07-02 cho thấy một cây cầu thép có cờ trang trí. Cận cảnh là các nhiếp ảnh gia cầm camera, phía nền là một nhóm quan chức trong đó có vị vua Cao Miên đứng dưới lọng và thống đốc Le Fol đang chuẩn bị cắt ruy băng.

Hình 17. Lễ khánh thành của một chiếc cầu, Cao Miên 1928 (album_Noblot_vol-2_07-02°

Ngày 31 tháng 10 năm 1928, vua Monivong và thống đốc Le Fol tổ chức lễ khánh thành một chiếc cầu ở miền Nam thành phố Nam Vang để vượt qua sông Hậu: đó là cây cầu Monivong đầu tiên. Dự án xây dựng cầu có tư liệu lưu trong bộ sưu tập ảnh của Bảo tàng Quai Branly (PV0022371, PV0022372; PV0012678; PV0030908, PV0020332, etc.). Lễ khánh thành này được thuật lại trong tờ L’avenir du Tonkin ra ngày 03 tháng 11 năm 1928. “Cao Miên – Nam Vang. Lễ khánh thành. Ngài thống đốc và vua Monivong làm lễ khánh thành cầu Bassac sáng hôm nay lúc 6 giờ 30, do công ty Levallois Perret xây dựng. Người đến xem lễ khánh thành rất đông. Cây cầu mang tên ngài Monivong được ngài tiến hành cắt ruy băng rồi đi cùng Thống đốc và một đoàn diễu hành sang bờ bên kia. Vào bữa trưa, ngài trao tặng huân chương hoàng gia cho ông kỹ sư Reich và khen thưởng một hạ sĩ người bản xứ (…)

[Bộ sưu tập] còn có một bộ ảnh phóng sự gồm khoảng ba mươi tấm chụp người dân thuộc dân tộc thiểu số mặc y phục dạo quanh phố xá Sài Gòn (album Brun số 3, trang 26-30). Các tộc người này đến từ khắp Đông Dương: Cao Miên, vùng cao nguyên ở Bắc kỳ, Trung kỳ và Lào.

Hình 18. Lễ hội dân tộc thiểu số, Sài Gòn, 1936

Trong hình thấy ai cũng đứng tạo dáng, khung hình và chất liệu hình đảm bảo đây là hình chụp chuyên nghiệp. Số lượng in được ghi lại ở mặt sau các tấm hình và sự có mặt của chúng trong một bộ sưu tập tương tự ở Viện bảo tàng Quai Branly khẳng định điều này (hình do Pierre Sénéchal-Chevallier biếu tặng). Các chú thích ở Viện bảo tàng ghi ngày tháng và nơi chụp là Sài Gòn, ngày 2 tháng 10 năm 1936.

Vợ chồng Noblot sưu tầm rất nhiều hình sự kiện quan trọng do các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp chụp (Đại hội Thánh thể Sài Gòn năm 1935, chuyến viếng thăm của các quan chức người Xiêm 14-16 tháng 4 năm 1930, v.v.). Tập hình phóng sự [chụp các người dân thuộc dân tộc thiểu số] này có trong album Brun và chỉ nằm sau bộ hình chụp Đại hội Thánh thể Sài Gòn.

L’Avenir du Tonkin cho ta thêm chi tiết về bối cảnh của cuộc hội tụ này. Đây là lễ hội mừng dịp xây xong tuyến đường sắt Transindochinois đi xuyên Đông Dương, nối liền miền Bắc Việt Nam và Sài Gòn. Nút giao điểm của tuyến đường này được khánh thành ở Trung kỳ ngày 2 tháng 9 năm 1936, có sự hiện diện của ngài Bảo Đại và Toàn quyền René Robin (nhậm chức từ năm 1934 đến tháng 9 năm 1936). Nhưng lễ hội chính thức ăn mừng sự kiện này lại tổ chức ở Sài Gòn, thủ đô của đất thuộc địa Nam kỳ, từ ngày 27 tháng 9 đến ngày 3 tháng 10 năm 1936. L’Avenir du Tonkin ngày 22 tháng 8 năm 1936 miêu tả chương trình sự kiện như sau:

Nam kỳ – Sài Gòn. Lễ hội lớn ở Sài Gòn ăn mừng ngày hoàn thành tuyến “Transindochinois”. Chúng tôi đã thông báo hôm qua rằng Toàn quyền Đông Dương quyết định tổ chức các lễ hội lớn ở Sài Gòn để mừng lễ khánh thành tuyến Transindochinois. Có nhiều manh mối khiến chúng tôi đoán rằng kỳ lễ này sẽ bắt đầu vào đầu tháng 10 – có khả năng cao sẽ là ngày 1, 2 và 3. Các lễ hội này sẽ toả sáng rực rỡ để tôn vinh một công trình đã bắt đầu cách đây 40 năm và mang lại lợi ích cho toàn cõi Đông Dương.

Một buổi ăn mừng trên nước sẽ diễn ra vào thứ năm ngày 1 tháng 10, rồi một buổi tiệc khác sẽ được tổ chức ở Nhà hát thành phố vào thứ sáu ngày 2 […]. Nghe đồn rằng buổi tiệc ngày 2 tháng 10 có một màn trình diễn lớn tụ họp trên sân khấu những hình mẫu đặc sắc từ khắp các vùng của Liên bang Đông Dương. Mỗi bức họa tượng trưng cho một vùng miền : Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ, Cao Miên, và Lào. Một nhóm 70 hay 80 người Mọi cũng sẽ có mặt trong một xuất trình diễn đặc biệt.

Cuối cùng, một “màn chung kết” lộng lẫy sẽ tập trung trên sân khấu cuộc diễu hành của tất cả những người tình nguyện mặc trang phục lễ hội. Chúng ta có thể ước tính con số người diễu hành là vài trăm. Những cư dân miền núi từ Bắc kỳ và Lào, những vũ công người Cao Miên, những ca sĩ hoài cổ từ Hà Nội và Huế, những người Mọi với thân hình rám nắng tượng trưng cho toàn cõi Đông Dương nay đã được thống nhất bởi tuyến đường sắt Transindochinois. […] »

Chiếc tàu đầu tiên cập bến được miêu tả trong tờ Avenir du Tonkin ra ngày 3 tháng 10 năm 1936, trang 7:

“Sài Gòn ngày 2 tháng 10. Toàn quyền Đông Dương Silvestre chính thức khánh thành đoạn đường sắt Tuy Hoà - Đại Lãnh ngày 1 tháng 10 […]

9h sáng thứ sáu, tàu của Toàn quyền Đông Dương đến Sài Gòn từ đại lộ Hàm Nghi rồi chạy sang kênh Ngô Gia Tự, dừng trước khu vực dành cho các phái đoàn đại diện Liên bang Đông Dương. Những bộ trang phục rực rỡ của họ tô thêm màu vào nắng. Trên suốt đoạn đường cắm cờ lộng lẫy, hàng ngàn người nối đuôi nhau đi theo chiếc tàu. Trong tiếng pháo nổ vang, chiếc tàu dừng trước khán đài, nơi có đại tướng Buhrer, chỉ huy cao cấp của quân đội Đông Dương, và ông Thống đốc Cao Miên Thibaudeau. Có cả hoàng tử Monireth, người đại diện cho vua Cao Miên, và hàng trăm người khác.

Quân đội hành lễ đón chào Toàn quyền Đông Dương đi cùng hoàng tử Vĩnh San, người đại diện cho hoàng đế An Nam, thống đốc Rivoal, thống sứ Trung kỳ, và ông Guillemain thanh tra các công trình công cộng, v.v. […]”

Hình 19. Hình ghép từ album_Noblot_vol-3_23-01 và album_Noblot_vol-3_23-02

Tấm hình phía bên trái cho thấy đầu tàu đang tiến về kênh Ngô Gia Tự ở Sài Gòn, ngay góc đường Hàm Nghi và Nguyễn Huệ mà ta có thể nhận ra nhờ có toà nhà hải quan phía sau. Các sĩ quan và viên chức bước xuống tàu trong hình bên phải. Bài báo ngày 3 tháng 10 năm 1936 - ghi đủ họ tên các nhân vật này nhưng vì không có chú dẫn nên vẫn chưa thể biết rõ ai là ai.

Trong tư liệu về gia đình ông Silvestre được lưu tại Cục lưu trữ lịch sử hải quân ở Rochefort (mã số MR 46 S 22), nhiều ảnh chân dung của Achille Silvestre giúp ta nhận ra ông Toàn quyền lâm thời là người đứng giữa có đeo kính. Bên phải [Achille Silvestre] là ông André Rivoal (?), mắt nhìn thẳng vào camera, và bên trái là đại tướng Burher. Léon Thibeaudeau, ông thống sứ Pháp ở Cao Miên, có thể là người đứng hẳn về phía bên phải của nhóm. Ông này có bộ râu mép và đeo mũ cát, mặt nhìn về hướng tàu.

Hình 20. Tàu Transindochinois cập bến: các viên chức và sĩ quan

4 / Câu chuyện của bộ sưu tập ảnh

Sau khi đã xác định xong đề tài và các mốc thời gian trên hình, chúng ta có thể nhìn lại bộ sưu tập qua lăng kính của cơ sở dữ liệu. Nói cách khác, biết được nội dung của từng bức ảnh và câu chuyện của nhà sưu tập ảnh (Noblot) giúp ta hiểu sâu sắc hơn về bộ sưu tập.

4-1 / Tiểu sử của Adrien Noblot (1885-1942)

Sổ ghi danh (fiche matricule) được lưu giữ tại Cục lưu trữ vùng Bouches-du-Rhônes cho ta thông tin về hoàn cảnh trước khi ông đến Đông Dương và sự nghiệp trong quân đội của ông. Tấm hình cũ nhất của Adrien hẳn là tấm đầu tiên trên trang 21 của Album 1 “Les plages” (“Bãi biển”). Nó có lẽ được chụp trước khi ông khởi hành sang Đông Dương năm 1904 trong vai lính mộ.

Có hai tấm hình khác chụp ở doanh trại Sài Gòn năm 1906 và một nơi không rõ địa điểm năm 1923.

Hình 21. Sài Gòn: lễ quốc khánh ở doanh trại thuỷ binh lục chiến (Infanterie de marine)
Hình 22. Sĩ quan hiến binh thuộc địa

Bắt đầu từ năm 1929, Adrien Noblot được trích dẫn nhiều lần trong báo thuộc địa Đông Dương, như lúc ông được thăng cấp bậc hàm trung uý trong đội hiến binh thuộc địa. Đó cũng là lúc ông viết bài báo cáo về đoàn hiến binh thuộc địa Nam kỳ-Cao Miên (Báo cáo hiến binh thuộc địa Nam kỳ-Cao Miên, tr. 81, op. cit)

  • 1929: Ông được thăng cấp bậc hàm Trung uý ở Cao Miên và chỉ huy hạt hiến binh Sài Gòn (L'Avenir du Tonkin, 31 tháng 7 năm 1929)
  • 1933: Trung uý Noblot được tặng Bắc Đẩu Bội Tinh, “ai cũng biết tánh thân thiện của ông trong cộng đồng người châu Âu và cả với người bản xứ. Phần thưởng xứng đáng này không có gì để bàn cãi và chúng tôi xin gửi đến người vừa được thăng chức lời chúc mừng nồng nhiệt nhất” (L'Avenir du Tonkin, ngày 18 tháng 3 năm 1933)
  • 1936: Trung uý Noblot của chi đoàn Nam kỳ-Cao Miên vừa được thăng cấp bậc hàm Đại uý (L'Avenir du Tonkin, ngày 27 tháng 6 năm 1936)
  • 1937: Không bao lâu nữa, ông Noblot, đại uý của đội hiến binh thuộc địa, sẽ rời xa chúng ta. Ông đi cùng bà Noblot trên tàu “Tổng thống Doumer” ngày 18 này. Đại uý Noblot đã sống 28 năm ở đất nước này và làm việc 25 năm trong đội hiến binh. Vậy là một nhân vật cổ kính của Nam kỳ sắp rời xa chúng ta. Sự ra đi của ông sẽ khiến chúng ta vô cùng tiếc nuối” (L'Avenir du Tonkin, ngày 5 tháng 7 năm 1837)

Sổ ghi danh của ông kết luận và chấm dứt tập sơ yếu lý lịch này. Ông trở về quê nhà ngày 25 tháng 4 năm 1939.

Ngoài các tấm hình chụp từ năm 1906 đến 1923, các tấm hình đầu tiên có mốc thời gian cụ thể trong bộ sưu tập này là hình chụp lễ hoả táng vua Sisowath ở Cao Miên vào tháng 3 năm 1929 và lễ đăng quang của Monivong người kế vị ông vào tháng 7 năm 1928.

Có lẽ khoảng thời gian này là điểm khởi đầu cho bộ sưu tập Noblot: với mục đích làm tư liệu về cuộc sống của họ ở Đông Dương và minh họa bằng hình chụp dàn xếp thành một câu chuyện trong các album, hoặc gom thành hộp ảnh in trên kính. Cũng có thể điểm khởi đầu [cho bộ sưu tập này] là bản báo cáo của đội hiến binh thuộc địa.

Album Nam Vang (Phnom Penh) có thể là tác phẩm của Adrien Noblot. Một số hình trong báo cáo hiến binh thuộc địa được ghép vào album 2 “Nam Vang” (Phnom Penh). Việc này gợi ý cho ta thấy rằng album này có thể là do Adrien chụp.

Ngoài rất nhiều ảnh mang tính tư liệu về Đông Dương, album 2 Nam Vang (Phnom Penh) còn có hình chụp các buổi đi săn bắn, đội hiến binh thuộc địa và một vài tấm chụp gia đình [Noblot]. Khó có thể xác định một cách chính xác mốc thời gian của tập ảnh chụp về người Mọi. Công việc in bưu thiếp của Fernand Nadal khởi đầu vào những năm 1920. Một số tấm bưu thiếp vẫn còn lưu truyền cho đến sau 1954.

Album bằng vải ca-rô thứ hai có thể là của Delphine Noblot, vì nó có nhiều hình chụp cuộc sống thường ngày của người tha hương nơi đất thuộc địa và nhất là của một người mẹ trong gia đình.

4-2 / Hình của Delphine Noblot trong album « Les plages » và album "Brun"

Adrien gặp Delphine Dubois (1898-1945) vào một chuyến đi Vonnas thuộc vùng Ain trong kỳ nghỉ phép. Đó cũng là quê hương của Delphine. Bà lúc đó là thợ may. Họ kết hôn tại thành phố này năm 1919 (Cục lưu trữ vùng Ain, các cuộc hôn nhân năm 1919 ở Vonnas). Cô con gái duy nhất của họ là Claudette (1920-2013) sinh ở Cần Thơ, Nam kỳ (tỉnh Cần Thơ, Việt Nam)

Delphine là người có mặt nhiều nhất trên các tấm hình của bộ sưu tập ảnh gia đình.

Bà có bằng lái xe ôtô. Có rất nhiều hình mà ta có thể suy rằng là do bà chụp, nhất là hình chụp cô con gái Claudette, các chuyến dã ngoại và cảnh ngoài bãi biển.

Hình 23. Boite_cochinchine_027

Trong các chuyến đi dã ngoại, để có mặt trên các tấm hình, Delphine Noblot thỉnh thoảng đưa máy chụp cho Claudette. Chuyến đi Bà Lụa (gần Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, Việt Nam) cùng với ông Dasseux và một cặp vợ chồng không xác định danh tánh vào tháng năm năm 1930 thể hiện rõ sự gần gũi trong các lần chụp ảnh giữa bà mẹ và cô con gái. Trên tấm hình bên trái, ta thấy bóng của bà Delphine với chiếc mũ chuông nhỏ, tay cầm máy chụp có buồng ngắm bằng ống kính cố định loại Rolleiflex. Claudette đổi vị trí chụp với bà trong tấm hình bên phải. Người lớn trong hình ngồi xuống thấp ngang tầm với cô.

Hình 24, album_Noblot_vol-1_09-09 và album_Noblot_vol-1_09-10

Rất dễ đoán ra rằng bà Delphine là người chụp cuốn album 2 “Les plages” vì album này có nhiều cảnh chụp đời thường trong gia đình và ngoài xã hội. Thế nhưng những tấm cuối cùng của bộ album Les plages lại là cảnh chụp trận đàn áp cuộc nổi dậy vào tháng sáu năm 1930.

Album Brun thì chưa sắp xếp hoàn chỉnh. Nhiều trang vẫn còn để trống và một số hình in ra chưa được dán vào album. Phải chăng đây là album cuối cùng của bộ sưu tập ? Phải chăng vì Delphine và Adrien qua đời sớm nên album này vẫn để nguyên như vậy ?

Mọi thắc mắc về ai thật sự là tác giả của các bộ album dẫn đến việc đặt câu hỏi về khoảng thời gian mà các album này được chụp, vì các ảnh chụp mang tính tư liệu không nối tiếp nhau theo trình tự thời gian. Đôi khi người xác định danh tính các nhân vật trong ảnh đề tên một cách ngẫu nhiên. Nhưng ta lại không cách nào biết đây là do họ không biết danh tính các nhân vật ấy hay vì họ đã quên.

Trên trang số 11 của album 1 “Les plages”, các ghi chú đề lẫn lộn tên địa danh (Qui Nhơn, An Khê, Kontum), ngày tháng (ngày 19 và 20 tháng 10 năm 1930), kèm theo một chức danh ghi là “Giám đốc trại nui ngựa ở An Khê, Qui Nhơn”. Ảnh cho thấy một ngôi nhà, có lẽ là nhà của ông giám đốc, và một gia đình không rõ họ tên.

Vì câu ghi chú chỉ đề cập đến chức danh [mà không ghi tên tuổi], ta có thể đưa ra giả thuyết rằng câu chuyện trong các album được kể lại sau khi [vợ chồng Noblot] đã về Pháp, hoặc thậm chí là sau này do Claudette Noblot nhớ lại.

Một gương mặt vô danh khác xuất hiện khắp nơi trong bộ sưu tập và hầu như trong tất cả các bộ ảnh mang tính tư liệu. Trên tấm hình chụp ở Vũng Tàu này có một người cầm chiếc máy ảnh trên tay, đó là ông René Blachère.

Hình 25. Album_Noblot_vol-1_12-01: Vũng Tàu: bãi biển Tiouane

Tên René Blachère không được ghi trên bất kỳ tấm hình nào. Nhờ con cháu của Adrien và Delphine Noblot kể lại mà tôi biết tên ông. Các trích dẫn về René Blachère trong Danh bạ hành chánh Đông Dương trùng khớp với câu chuyện trong các tấm hình.

4-3 / Gia đình Blachère

René Blachère, cùng với vợ là Paule d’Ornano và con gái tên Geneviève, là những gương mặt không thể thiếu trong bộ sưu tập. Họ xuất hiện thường xuyên như cặp vợ chồng Noblot trong hình. Riêng ông René Blachère thì có mặt ít hơn ông Adrien Noblot gấp hai lần. Trong khi ta thấy René Blachère cầm máy ảnh trong ba tấm hình, ta lại không có bằng chứng nào cho phép khẳng định Adrien Noblot cũng tham gia chụp ảnh. Gia đình Blachère xuất hiện trên hình của gia đình Noblot bắt đầu từ năm 1929, lúc Adrien được bổ nhiệm xuống Nam kỳ. Họ có mặt trong nhiều bộ ảnh mang: ảnh chụp bãi biển, săn bắn, Cao Miên (Angkor, Phnom Penh), Đà Lạt, v.v., và cả thị trấn Vonnas ở Pháp.

Đại uý René Blachère (1893-1985) là một sĩ quan của đội hiến binh thuộc địa. Nhập ngũ năm 1911, ông theo đuổi ngành quân sự và nó dẫn ông đến Đông Dương năm 1926. Ông cũng rời bỏ vùng thuộc địa này như gia đình Noblot năm 1937. Sổ ghi danh (fiche matricule) của ông được lưu giữ tại Cục lưu trữ tỉnh Vaucluse.

Ban đầu được bổ nhiệm tại Hà Nội, ông trở thành thiếu tá của chi đội hiến binh Nam kỳ-Cao Miên vào năm 1920. Ông thực hiện nhiều chuyến đi công tác ở núi Bà Rá và từng mang về thi thể ngài nguyên soái Auguste Morère, người đã lập nên trại hiến binh tại nơi đây.

Năm 1932, ông nhận nhiệm vụ đến Khone cận vùng biên giới Lào và Cao Miên. Ta thấy trong ảnh này là Paule Blachère ngồi tạo dáng trên một hòn đá ở thác Khone. Bà cũng xuất hiện nhiều trên các tấm ảnh in trên kính chụp ở Angkor.

Hình 26. boite_laos_moi_12 : Lào: thác Phapheng, thác Khone sông Mékong, Lào

4-4 / Cách tìm tác giả của các tấm ảnh in trên

Trong khi các tấm hình in trên giấy và bưu thiếp có đề tên của 29 nhiếp ảnh gia, ta lại khó xác định ai là người chụp các tấm ảnh in trên kính. Các cảnh chụp bà Paule Blachère ở Angkor rất có thể là do chồng bà, ông René Balchère, chụp. Cả Adrien và Delphine đều không có mặt trên các tấm ảnh chụp ở Angkor. Vì lý do tương tự, tôi cho rằng René Blachère cũng là người chụp các tấm ảnh ở Preah Vihear.

Trán tường đền Banteay Srei in trên tấm boite_angkor_07 được lưu giữ ở bảo tàng Guimet (Paris, France) từ năm 1936. Vậy nên tôi ghi mốc thời gian cho các tấm chụp trên kính này là khoảng năm 1935.

Các tấm hình lập thể đầu tiên có khả năng xuất hiện trong bộ sưu tập vào giữa thập niên 1930.

Claudette Noblot không có mặt nhiều trên các tấm hình này trong khi cô lại xuất hiện rất nhiều trên các tấm chụp gia đình. Adrien và Delphine chỉ xuất hiện trên các tấm chụp ở Sài Gòn và Nam Vang (Phnom Penh). Trong hình, họ đứng tạo dáng riêng lẻ từng người một và các khung hình này đều không rõ nét.

Hình 27 boîte_cambodge_032: Adrien và Delphine Noblot, Phnom Penh

Các tấm hình chụp nội thất trong căn hộ của gia đình Noblot và chụp Adrien trong phòng làm việc của ông lại đều rất chỉnh chu. Phải chăng vợ chồng Noblot thích các loại hình này hơn ? Hoặc đây là chuyến đi cuối cùng khi họ sắp trở về Pháp ? Phải chăng ý họ muốn trưng bày các cảnh ấn tượng nhất trong cuộc sống của họ ở Đông Dương để kết thúc bộ sưu tập ?

Hình 28. boite_saigon_congr_euch_50: nhà của gia đình Noblot. Trại lính hiến binh ở Sài Gòn, phòng ăn

Hay là họ mượn phòng của ông René Blachère ? Khó có thể khẳng định điều này vì cả hai ông René Blachère và Adrien Noblot đều không có mặt trên các tấm hình cuối cùng của bộ sưu tập chụp ở Vonnas.

Hình 29. boite_vues_diverses_27: Vonnas (Ain, Pháp), ngôi nhà của gia đình

Bộ sưu tập còn một serie ảnh có khả năng là của một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp chụp Triễn lãm quốc tế ở Paris năm 1937.

Hình 30. Triển lãm quốc tế tại Paris (1937), gian hàng của Bỉ. Ảnh trên là những bức ảnh từ bộ sưu tập Noblot (boite_pavillons_etrangers_11). Ảnh dưới là ảnh rao bán trên Ebay (trang truy cập năm 2022)

Có khả năng các tấm ảnh lập thể chụp cảnh đồng lúa và cảnh bên trong Cung điện Hoàng gia ở Nam Vang là được mua lại từ các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp.

Vì các mảng phim không để chữ ký nên khó đoán tên tác giả. Ngoài ra, bộ sưu tập Noblot có khả năng bổ sung thêm những điều mới lạ về hình chụp của Fernand Nadal.

4-5 / Các hình chụp lập thể của Fernand Nadal

Là một nhân vật tiêu biểu khác của bộ sưu tập Noblot, Fernand Nadal là một nhiếp ảnh gia và là nhà xuất bản bưu thiếp có danh tiếng lớn ở Đông Dương thuộc Pháp vào những năm 1920-1930. Dù ông chỉ tập trung vào Nam kỳ, Trung kỳ và Nam Vang, các hình chụp của ông nhiều vô kể và rất có giá trị cho việc xác định và định vị hình chụp trong bộ sưu tập Noblot. Các ký hiệu và chú thích của các tấm hình in trên giấy trong bộ album chỉ ra rằng Adrien Noblot có mua hoặc nhận lại rất nhiều ảnh từ các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và nhất là từ Nadal.

Thế nhưng Fernand Nadal là ai thì rất ít người biết cho đến tận ngày hôm nay. Không có nguồn tư liệu nào về ông đề cập đến các tấm kính. Nhưng lại có rất nhiều nét tương đồng giữa ba tấm ảnh lập thể trong bộ sưu tập Noblot và các tấm bưu thiếp [của Nadal].

Hình 31. Ảnh trên : Hà Tiên – Ba hòn đảo của quần đảo Binhtis. Bản in của Photo Nadal Saigon, Hà Tiên 2205 (Hatien – Trois îles de l'archipel de Binhtis. Tirage de photo Nadal Saigon, Ha Tien 2205). Ảnh dưới : boite_mont_place_07: Hà Tiên, bãi biển và tàu đánh cá

Số lượng hình của Fernand Nadal [trong bộ sưu tập] và của nhiều nhiếp ảnh gia khác hoạt động đương thời ở Đông Dương, cũng như việc sưu tập các tấm hình in trên kính, gợi ý cho ta thấy rằng Delphine và Adrien Noblot có quyết tâm làm ra một bộ ảnh mang tính tư liệu lúc họ lập nên bộ sưu tập này. Với mục đích dùng để chia sẻ và ghi tưởng các kỷ niệm về một vùng đất mà ít người ghé thăm.

Dẫu sao ta cũng không thể kết luận rằng bộ ảnh tư liệu của gia đình Noblot thiếu sáng tạo. Có thể việc ông Adrien Noblot là sĩ quan trong đội hiến binh thuộc địa và các mối quan hệ trong công việc của ông đã tạo ra nguồn cảm hứng đầu tiên cho các tấm chụp độc đáo này.

5 / Nét độc đáo của phông

Bối cảnh nghiên cứu của phông ảnh này không cho phép tôi đánh giá về nét độc đáo của các tấm hình. Các nguồn tư liệu mà tôi dùng đa số là đã có trên mạng và tôi không tra cứu nhiều tài liệu lưu trữ. Thế nhưng bộ sưu tập này có một vài tập ảnh tư liệu khá bất ngờ và thậm chí là chưa từng thấy. Chúng có khi mang lại những thông tin mới mẻ về các phông ảnh tương tự.

Gia đình Noblot tạo ra bộ sưu tập từ các nguồn tư liệu rất đa dạng. Đôi lúc họ ưu tiên ảnh mà họ chụp so với các ảnh chụp chuyên nghiệp. Có một tập phóng sự của Nadal về chuyến đi thăm của ngài Toàn quyền Philippines, Dwight F. Davis được lưu lại trong các bộ sưu tập của Thư viện quốc gia (Bibliothèque nationale de France), của Viện viễn đông bác cổ(Ecole française d'Extrême-Orient) (EFEO_CAM22971EFEO_CAM22972), và ở Trung tâm lưu trữ quốc gia hải ngoại (Archives nationales d'Outre-Mer, ANOM), vậy mà các hình được chọn cho bộ sưu tập chỉ là hình nghiệp dư (album 1 “Les plages”, tr. 18).

Ngoài nhưng tấm hình này ra thì phần lớn các tấm ảnh mang tính tư liệu đều là hình chụp chuyên nghiệp.

5-1 / Mác của các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp

Các bộ sưu tập của Bảo tàng ở Quai Branly và nhất là bộ sưu tập của Viện Viễn đông bác cổ (EFEO), cung cấp tài liệu về lễ hoả táng vua Sisowath và lễ đăng quang của người nối ngôi ông, ngài Monivong. EFEO đưa lên mạng ít nhất là 63 tấm hình của buổi lễ đăng quang vào tháng 7 năm 1928. Bảo tàng ở Quai Branly thì có một serie ảnh rất đầy đủ lấy từ thư viện ảnh của Bảo tàng về con Người, mà ban đầu là thuộc về Toà Toàn quyền Đông Dương. Đáng tiếc là các tấm hình này ở cả hai kho ảnh và trong album Noblot đều không ghi tên người chụp.

Vậy mà trong số các ấn phẩm vô danh ấy lại có các tấm bưu thiếp do studio ảnh “Royal photographie, Phnom Penh”, xưởng in hoạt động cuối thập niên 1930 và đặc biệt làm việc cho bộ máy hành chính, in ra.

Hình 32. album_Noblot_vol-2_07-03: Vua Sisowath Monivong tạm biệt Thống đốc Le Fol tại phủ Thống đốc của Pháp ở Nam Vang, Cao Miên, tháng 7 năm 1928
Hình 33. Con dấu của studio ảnh Royal Photo Phnom Penh

Có một chữ ký trên một tấm hình của bộ sưu tập Noblot mà tôi không thấy ở đâu khác. Đại hội Thánh Thể Sài Gòn tổ chức từ ngày 12 đến ngày 16 tháng 12 năm 1935 là chủ đề của một bài viết do cơ quan truyền giáo viết năm 1936, tờ Echos de nos missions (Tiếng vang của nhà truyền giáo). Tấm hình tìm thấy trong bộ sưu tập Noblot có tên người đã chụp một trong những bức ảnh mà tờ Echos de nos missions in lại. Đó là tấm chụp hương án trước nhà thờ, ký tên: Tourist Photo 48 đường J. Eudel, Sài Gòn.

5-2 / Trận đàn áp vào tháng sáu năm 1930

Năm trang cuối cùng của album 1 “Les Plages” là một serie gồm khoảng ba chục tấm ảnh cho thấy cảnh rối loạn trật tự, một tốp người mặc quân phục đang được huy động, người dân chạy loạn trên phố hoặc nằm chết bên đường, cảnh tàn phá và một nhóm tù nhân.

Hình 40. album_Noblot_vol-1_47: trận đàn áp tháng 6 năm 1930
Hình 41. album_Noblot_vol-1_48: Ghi chép phía sau các tấm hình, cuộc nổi dậy vào tháng 6 năm 1930

Tôi có cảm giác nhận ra Adrien Noblot trên một vài tấm hình. Đó là các tấm hình cho thấy một người lính hiến binh chỉ hai tù nhân người Việt đi về phía bên trái. Gia đình ông kể lại ký ức gắn bó với Việt Nam của ông. Adrien Noblot biết tiếng Việt và nỗ lực của ông trong việc thương lượng để trấn an cuộc nổi dậy này đă mang lại cho ông một huân chương.

Hình 42. album_Noblot_vol-1_47-05
Hình 43. album_Noblot_vol-1_47-06

Không rõ ai là người chụp nhưng sự có mặt của người ấy có vẻ như không quấy nhiễu đội hiến binh. Có một anh lính nhìn thẳng về hướng người chụp và camera. Người chụp hầu như có quyền tự do hoàn toàn để thực hiện công việc của mình. Tính chuyên nghiệp của các bức ảnh này được xác nhận qua các phần chỉnh sửa bằng viết chì trên một số tấm hình.

Hình 44. album_Noblot_vol-1_49

Các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp thường chỉnh lại hình của họ. Việc tăng độ tương phản sẽ mang lại hình ảnh sắc nét hơn trên báo chí. Chỉ cần so sánh các hình chụp lễ đăng quang của Monivong đã được nói đến với các tấm hình đăng trên tờ Excelsor ngày 20 tháng 9 năm 1928. Thói quen này ít thấy hơn nơi các nhiếp ảnh gia nghiệp dư vì họ không phải tuân theo các ràng buộc này. Còn nữa, ta chỉ thấy các nét tô đậm trên hình của tập phóng sự này. Các hình in trên giấy trong các album khác đều không có.

Điều này lại khiến ta đặt thêm câu hỏi cho phông ảnh này. Đóng góp của Adrien Noblot chiếm bao nhiêu phần trong các album và ai là tác giả của các tấm hình ? Là Adrien Noblot hay là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp khác được ông tận tình che chở để luôn có mặt đúng nơi và đúng lúc [trong các sự kiện] ?

Điều thứ hai khiến ta khẳng định tính chuyên nghiệp của các bức ảnh này là sự xuất hiện của chúng trong kho lưu trữ của Associated Press (283765483804 ; 615972216231 ; 335270531920), tìm được nhờ trang web của Manhhai. Associated Press đăng chúng lên kèm theo ghi chú sau:

“Người Việt tham gia vào cuộc nổi dậy chống Pháp ở Sài Gòn, miền Nam Việt Nam, tháng 11 năm 1940. Không rõ ngày. (AP photo)”.

[So với ghi chú của Associated Press thì] hình của gia đình Noblot có uy tín hơn. Adrien và Delphine Noblot rời khỏi Đông Dương năm 1940. Tập ảnh tư liệu của hai người đầy đủ hơn và nhất là có ghi chú sau: “Hóc Môn ngày 4 tháng 6 năm 1930”. Các ghi chú của tập ảnh tư liệu này còn ghi thêm các ngày 4 đến 6 tháng 6 năm 1930 và các địa điểm: Đức Hoà (thành phố và phường của tỉnh Long An), Bà Hom, An Thạnh, nơi tập trung các tù binh từ ngày 4 tháng 6 năm 1930.

Cuộc nổi dậy vào tháng 6 năm 1930 không chỉ là một khoảnh khắc vô hại. Nó xảy ra ngay sau sự kiện đã làm rối loạn cả đất thuộc địa trong năm ấy: cuộc khởi nghĩa Yên Bái ở Bắc kỳ. Cuộc nổi dậy ở Sài Gòn là điểm phát sinh ra rất nhiều cuộc trao đổi giữa Sài Gòn và Hà Nội (trụ sở của Toàn quyền Đông Dương). Tư liệu của phông Thống đốc Nam kỳ được giữ lại ở Sài Gòn nhưng các báo cáo chính trị và kinh tế lại được đưa ra Hà Nội, thủ đô chính trị của Đông Dương thuộc Pháp. Ta có thể truy cập chúng tại Trung tâm lưu trữ quốc gia hải ngoại ở Aix-en-Provence. Các thông tin nằm trong hộp GGI 64343, báo cáo của Krautheimer và một công hàm của Toàn quyền gửi cho Bộ thuộc địa để thuật lại các sự kiện của tháng 5 và tháng 6 năm 1930 ; và trong các hộp GGI 65433 đến 65435, trong các công thư và điện tín gửi đi từ Hà Nội và các ghi chép định kỳ về các hoạt động chống Pháp trong hộp GGI 65436.

Cuộc nổi dậy tháng 6 năm 1930 nằm trong bối cảnh đậm màu chính trị giữa hai cuộc thế chiến khi chủ nghĩa dân tộc Việt Nam bắt đầu hình thành. Các yêu cầu cải cách của một thế hệ trẻ có học vấn, tình hình kinh tế, xã hội và thuế má trở nên nghiêm trọng hơn vì cuộc khủng hoản năm 1929 (Daniel Hémery, “Nhà cách mạng Việt Nam và chính quyền thuộc địa ở Đông Dương: cộng sản, trotskystes, người theo chủ nghĩa quốc gia ở Sài Gòn từ 1932 đến 1937”, Paris, France: F. Maspero, 1975 ; Hémery, Daniel, et Pierre Brocheux. Đông Dương, một nền thuộc địa nhập nhằng. Paris: La Découverte, 2012).

Đây là tập ảnh tư liệu duy nhất làm lem luốc hình ảnh một Đông Dương diệu kỳ và bình an trong bộ sưu tập của Delphine và Adrien Noblot.

người dịch Cao, Thúy Vy (IdRef 269619720)